Cách làm giò xào - Hướng dẫn làm giò xào
Mâm cỗ ngày Tết là điểm nhấn hết sức quan trọng đối với mọi gia đình để cúng dâng lên các vị thần linh và tổ tiên. Mâm cỗ Tết cổ truyền bao giờ cũng phải đầy đủ 10 món ăn trong đó gồm 5 bát, 5 đĩa. Cỗ bát gồm các món: miến, bóng, măng, mọc, nấm; cỗ đĩa gồm: thịt gà luộc, giò, chả, xào, nộm. Sang trọng thì có thêm bóng cá dưa, cá thủ, vây cá, bào ngư, long tu, tổ yến,... Những gia đình giàu có, người ta xếp “bát dưới, đĩa trên” gọi là cỗ tầng. Trong mâm cỗ đó luôn xuất hiện một món ăn truyền thống và gần như bắt buộc phải có: GIÒ. Và ngày càng có nhiều biến thể của loại thức ăn này khiến nó luôn hấp dẫn trên bàn tiệc và luôn xứng danh gọi tên một nét văn hóa ẩm thực của người Việt. Nhưng hiếm ai hiểu được, giò có từ bao giờ và vì sao nó lại có một vị trí đặc biệt đến thế.
Tự làm giò xào ngày Tết
Giò xào tự làm vệ sinh hơn nhiều, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày tết.
Món giò xào rất quen thuộc trong những ngày Tết. Thông thường bạn hay đi mua, nhưng với tình hình an toàn thực phẩm đáng báo động hiện nay, tốt nhất là bạn nên tự làm.
Nguyên liệu:
- Tai lợn: 500gr
- Thịt chân giò: 700gr
- Thịt ba chỉ: 300gr
- Mộc nhĩ: 80gr
- Nấm hương: 20gr
- Hành khô, hạt tiêu
- Nước mắm, dầu ăn
Cách làm:
- Tai lợn, thịt chân giò và thịt ba chỉ cạo rửa thật sạch cho hết lông và mùi hôi. Đun sôi nước rồi thả thịt vào chần sơ cho ra hết những bọt bẩn trong thịt, đồng thời miếng thịt sẽ dễ thái hơn.
- Thái mỏng thịt chân giò và thịt ba chỉ, phần thịt tai thái miếng mỏng vừa.
- Nấm hương mộc nhĩ ngâm nở, hành khô bóc vỏ. Mộc nhĩ thái sợi, nấm hương thái nhỏ, hành khô thái lát mỏng.
- Dùng chảo không dính để xào giò. Phi thơm hành khô với dầu ăn rồi trút thịt đã thái vào xào to lửa, nêm lượng nước mắm sao cho vừa miệng, nước mắm chính là bí quyết giúp cho giò xào của chúng ta dậy mùi thơm.
- Cho nấm hương mộc nhĩ vào xào cùng, khi tất cả các nguyên liệu đã chín, ngấm mắm thì rắc hạt tiêu vào rồi tắt bếp.
- Nếu có khuôn inox thì chỉ việc xúc thịt đã xào vào khuôn, vặn vít và đợi khoảng 6 tiếng cho giò đông lại. Nếu không có khuôn inox các bạn có thể dùng chai nước khoáng loại 1,5l, cắt bỏ cổ chai rồi xúc thịt vào, sau đó dùng vật nặng chèn xuống là được.
- Lấy giò ra khỏi khuôn, có thể gói giò bằng màng nilon bọc thực phẩm, giấy bạc hoặc bằng lá chuối tây rửa sạch đã hơ qua lửa cho khô nước và mềm, miếng giò khi ăn sẽ thơm hơn.
Chấm giò với tương ớt hoặc nước mắm nguyên chất rất ngon, giò xào thường ăn kèm với dưa góp hoặc hành muối không những ngon miệng, chống ngán mà còn có tác dụng giúp cho cơ thể dễ tiêu hóa thức ăn.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét